• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Kinh doanh liêm chính, minh bạch để phòng, chống tham nhũng 

Thực hiện liêm chính trong kinh doanh và phát triển một môi trường kinh doanh hấp dẫn và minh bạch  để phòng, chống tham nhũng hiệu quả là giải pháp tối quan trọng được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến nghị tại Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 13 diễn ra mới đây.

IMG
Để thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh, cần phải hoàn thiện khung pháp lý và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hợp tác như các đối tác cùng phát triển
Minh họa: Nguyễn Tâm 
 
Thực hiện liêm chính trong kinh doanh
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh thì cần phải hành động tập thể trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cùng nhau xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và nhất quán. Muốn vậy, cần phải hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; đồng thời, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam) hợp tác như các đối tác cùng phát triển trong việc kinh doanh liêm chính, minh bạch. 
 
Về phía VCCI, từ sau Đối thoại PCTN lần thứ 12, VCCI đã tiến hành thu thập ý kiến của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện chính sách của các Bộ, ngành, địa phương; phổ biến pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh; đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là sự hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục thuế và hải quan. Bên cạnh đó, VCCI cũng đã tư vấn, hỗ trợ xây dựng lập kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương; ký kết Biên bản ghi nhớ về thành lập sáng kiến khu vực về PCTN trong kinh doanh với các tổ chức như: Mạng lưới trách nhiệm xã hội doanh nghiệp Đông Nam Á, Sáng kiến liêm chính Philippines, Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp Indonesia…
 
Đại diện VCCI cũng cho biết, qua những hành động hỗ trợ thiết thực, VCCI đã khảo sát được thực trạng quản trị liêm chính cho một số ngành công nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam; xây dựng và hướng dẫn các ngành tiêu biểu thực hành bộ quy tắc ứng xử liêm chính trong kinh doanh tại những ngành này.
 
Thúc đẩy “sân chơi bình đẳng” giữa các doanh nghiệp
Ông David Priestley, Phó Chủ tịch Cộng đồng doanh nghiệp Anh cho biết, khi quan hệ thương mại của Việt Nam với toàn cầu ngày càng trở nên chặt chẽ thông qua các Hiệp định Thương mại tự do, cần phải thiết lập các mối quan hệ kinh doanh lâu dài và tin cậy giữa cộng đồng các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau cần xích lại gần nhau hơn, ủng hộ các giải pháp kinh doanh minh bạch của nhau, cùng nhau thúc đẩy sự hình thành một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Và một khi các doanh nghiệp đã đồng lòng và có động lực tạo dựng, thực thi các yếu tố liêm chính thì sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, và danh tiếng của từng doanh nghiệp cũng nhờ đó mà được nâng cao hơn.
 
Theo ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, các cơ quan chống tham nhũng ở các cấp cần có tính tự chủ riêng, độc lập về chức năng, có đủ năng lực áp dụng các biện pháp thực thi pháp luật và hình phạt chống tham nhũng. Theo một khảo sát của UNDP, trong trường hợp bị vòi vĩnh đưa hối lộ, có đến 89% doanh nghiệp trả lời sẽ không tố cáo hành vi này, bởi họ vẫn chưa thực sự tin vào các cơ quan PCTN. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tố cáo hành vi hối lộ cũng sẽ không mang lại lợi ích gì cho họ, thủ tục tố cáo rườm rà, và quan trọng hơn là họ sợ chính doanh nghiệp của họ sẽ bị trả thù và trù dập nếu hành vi tố cáo của họ được công khai. Vì vậy, ông Jairo Acuna-Alfaro cho rằng, kinh nghiệm thực tiễn tốt từ chuẩn mực quốc tế trong PCTN mà Việt Nam có thể tham khảo ở phương diện chính sách là cần giao những nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chống tham nhũng; thực hiện cơ chế phối hợp để tăng cường mối quan hệ hỗ trợ giữa các cơ quan chống tham nhũng (trong trường hợp cần thiết). Đồng thời, cần có những quy định và quy trình chuẩn (bao gồm cơ chế giám sát và kỷ luật) nhằm giảm thiểu những hành vi như cố tình làm sai, lạm quyền và ngăn cản thực thi công lý của các cơ quan chống tham nhũng cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chống tham nhũng với xã hội. 

 

 

Tuấn Dũng

Nguồn: muasamcong.vn

Người đăng: T.An

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)