• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Nhiều nhà thầu đang coi nhẹ việc đảm bảo vệ sinh môi trường khi thi công 

Việc thi công các công trình giao thông tại TP.HCM của nhiều nhà thầu đang gây ra tình trạng mất vệ sinh môi trường. Lỗi này tuy không tác động tiêu cực đến chất lượng và tiến độ thi công của dự án, nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đối với sinh hoạt của người dân. Chấp hành tốt những quy định về vệ sinh môi trường là cam kết nêu rõ trong các hợp đồng, hồ sơ mời thầu nhưng lại bị nhiều nhà thầu xem nhẹ.

IMG
Việc hạn chế ô nhiễm môi trường trên khu vực công trường giao thông đang thi công đã được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật
 Ảnh: Tất Tiên
Lỗi thường gặp của mọi nhà thầu
Tình trạng gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khi thi công xây lắp các dự án hạ tầng giao thông thường do hoạt động vận chuyển, tập kết, dự trữ, bảo quản nhiên, nguyên vật liệu phục vụ công trình,… làm phát sinh bụi và khí thải. Quá trình thi công có gia nhiệt như cắt, hàn, đốt nóng chảy... gây ô nhiễm không khí, nước; việc sử dụng các vật liệu xây dựng cũng gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, sinh hoạt của công nhân viên trên công trường gây phát sinh chất thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt cũng góp phần tạo nên tình trạng này.
 
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, tuy đơn vị này đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở kèm theo xử phạt các nhà thầu gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khu vực thi công dự án, nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra. Có thể kể tên một loạt nhà thầu mắc lỗi này như: Công ty TNHH Xây dựng Thịnh An tại gói thầu XL3 (Xây dựng cầu Bình Thuận), gói thầu xây dựng cầu Mười Lến (dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 9); Công ty CP và ĐTXD An Phát mắc 2 lỗi về vệ sinh môi trường tại gói XL1 (dự án Xây dựng cầu Bà Đế, Rạch Dứa, Vàm Thầy, Cây Điệp), gói XL (dự án Cầu TL9 trên đường Nguyễn Văn Bứa)...
 
Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm, hàng năm, Thanh tra Sở đều lập danh sách đen những nhà thầu thi công bầy hầy, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nhiều nhà thầu đã bị lập biên bản xử phạt hành chính với mức xử rất nặng. Gần đây nhất, đơn vị này đã lập biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 29 triệu đồng đối với nhà thầu thi công xây dựng đường hai đầu cầu Gò Dưa và cầu Gò Dưa (quận Thủ Đức, TP.HCM). Công trình này thuộc dự án Xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, do Công ty GS Engineering & Construction làm chủ đầu tư. 
 
Theo một số chuyên gia, sự lơ là trong quản lý, giám sát của chủ đầu tư, lỏng lẻo trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương có dự án đã dẫn tới tình trạng nêu trên. Có nhà thầu từng chia sẻ: “Kiểm tra thì ai cũng có lỗi, gói thầu nào cũng có lỗi. Phạt chỗ này lại lòi ra chỗ kia. Danh sách đen dài dằng dặc nên cũng không đến nỗi… xấu hổ lắm”. Với tư duy như vậy, biện pháp xử phạt hành chính khi nhà thầu không chấp hành nghiêm túc quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường đang như “bắt cóc bỏ đĩa”.
 
Để không “bắt cóc bỏ đĩa”
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại các công trình xây lắp rất phổ biến ở TP.HCM. Tình trạng này xuất hiện ở các gói thầu lớn lẫn nhỏ, ngoại thành lẫn nội đô với mức độ khác nhau. Cụ thể, ô nhiễm bụi xảy ra rất nghiêm trọng trên những tuyến đường cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, gồm xa lộ Hà Nội và đại lộ Mai Chí Thọ. Những đoạn đường này thường xuyên có đất cát rơi vãi gây nên tình trạng bụi mù mịt, mặt đường trơn trượt, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Tại nút giao Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám thuộc dự án Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, bụi mù kéo một quãng dài đến tận cổng Công viên Gia Định do các nhà thầu đang thi công đường mở vào sân bay. 
 
Phân tích của các chuyên gia về môi trường và xây dựng cho biết, việc hạn chế ô nhiễm môi trường trên khu vực công trường giao thông đang thi công đã được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu do các chủ đầu tư ban hành. Những văn bản này đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp từng dự án như: chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Các kế hoạch về nguồn nhân lực, kinh phí, thời gian thực hiện bảo vệ môi trường cũng đều được xây dựng chi tiết ngay từ khâu lập dự án, trong quá trình triển khai cho đến khi hoàn thành dự án đưa vào khai thác. Vì vậy, để xảy ra tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường tại các gói thầu xây lắp giao thông là do nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, thiếu sự kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, tư vấn giám sát. Do đó, công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu cần được các chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan hữu quan coi trọng hơn nhằm đảm bảo nhà thầu thực hiện đúng cam kết.
 
Nhiều ý kiến còn cho rằng, chỉ phạt nhà thầu thi công thì chưa đủ sức răn đe. Cần xem xét đến việc nhắc nhở và xử phạt các chủ đầu tư dự án để tránh tái diễn tình trạng này. “Một gói thầu thi công nhếch nhác không chỉ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân, mà còn tạo nên hình ảnh không chuyên nghiệp cho chính nhà thầu, chủ đầu tư. Do đó, bản thân các nhà thầu khi tham gia đấu thầu cần coi đây là cơ hội để thể hiện sự chuyên nghiệp. Còn chủ đầu tư cần tăng cường giám sát để nâng cao chất lượng thi công, không gây mất vệ sinh đô thị”, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất.
 
 
V.Huyền
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)