• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA 
Khoảng 80 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam trong 20 năm qua (1995 - 2015) không chỉ mang đến cho Việt Nam một nguồn lực bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển của Việt Nam.
 
Đánh giá trên được các cơ quan quản lý, nhà tài trợ, chuyên gia kinh tế… nhấn mạnh tại Hội thảo “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối tuần qua tại TP. Đà Nẵng.
IMG
Nguồn vốn ODA đã góp phần rất quan trọng đối với sự phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục đến phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo,…
 Ảnh: Tất Tiên
Nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban  Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong 20 năm qua, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút các nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo đã được khẳng định và nhấn mạnh trong các Nghị quyết, đặc biệt là Văn kiện Đại hội XI. Trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA. Nghị định sau tiến bộ hơn nghị định trước theo hướng đồng bộ, nhất quán với hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư công, hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, tiệm cận với các chuẩn mực và phù hợp với thông lệ quốc tế. “Trong chặng đường 20 năm, các nhà tài trợ quốc tế đã hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam phát triển trong hầu hết các ngành, lĩnh vực trên địa bàn cả nước. Nguồn vốn này đã trở thành động lực quan trọng về cả vật chất và tinh thần để Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục những bất ổn, yếu kém để đạt được những thành tựu quan trọng”, ông Vương Đình Huệ khẳng định. 
 
Trong một tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính đánh giá: “Những năm qua, nguồn vốn ODA đã góp phần rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, từ phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục đến phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực con người, hoàn thiện hệ thống pháp lý… Đến nay, Việt Nam từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình”. 
 
Đồng quan điểm này, đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, trong 20 năm qua, vốn ODA đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không…
 
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam. Về vấn đề này, ông Vương Đình Huệ cho rằng, năng lực hấp thụ ODA của các ngành, địa phương và ở những dự án cụ thể còn hạn chế; tỷ lệ giải ngân so với vốn ODA cam kết còn thấp; công tác quản lý ODA còn bất cập, còn nhiều trường hợp vi phạm các quy định về ODA của Chính phủ và các nhà tài trợ… Bên cạnh đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, khi đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam không còn nhận được nguồn ODA dồi dào như trước. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam còn thua kém về nhiều mặt so với trình độ phát triển của một số nước thu nhập trung bình trong khu vực và trên thế giới. 
 
Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu, gồm: ODA viện trợ không hoàn lại (khoảng 10 - 12%), ODA vay ưu đãi (khoảng 80%) và ODA hỗn hợp (khoảng 8 - 10%). Lũy kế từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA mà các nhà tài trợ quốc tế cam kết cung cấp cho Việt Nam đạt 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm; vốn ODA và vốn vay vay ưu đãi đã giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tầm nhìn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng trên cơ sở các nguyên tắc chính: Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015 và 2016 - 2020); Ưu tiên cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại; Sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau, trong đó chú trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương. 
 
Trên tinh thần đó, TS. Nguyễn Thành Đô kiến nghị, Việt Nam phải chủ động trong việc quản lý và sử dụng vốn ODA, tránh các biểu hiện “chạy theo số lượng mà không thực sự coi trọng việc đảm bảo chất lượng của các khoản đầu tư từ nguồn vốn vay”, sử dụng vốn phải gắn với khả năng tạo ra nguồn thu để trả nợ, những dự án nào xét thấy không hiệu quả và không phù hợp với mục tiêu sử dụng thì cần từ chối. Về lâu dài, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa mức tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, tăng tỷ lệ vốn đối ứng trong cơ cấu đầu tư của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA. TS. Trịnh Ngọc Tuấn, Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: “Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tham tra, kiểm toán, giám sát, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn ODA”…
 
 
Trung Hiếu
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)