• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Lường trước rủi ro trong thực hiện dự án PPP 
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) không phải là “cây đũa thần” giải quyết nhu cầu vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng ở mọi quốc gia trên thế giới, bởi ngoài PPP còn có nhiều hình thức đầu tư khác. Song, nếu có phương án quản lý hiệu quả, PPP sẽ vừa là giải pháp quan trọng để giải quyết nhu cầu vốn, vừa góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

IMG
Theo các chuyên gia đấu thầu của Hàn Quốc, đối với một dự án PPP, nên cố gắng ghi vào trong hợp đồng tất cả những rủi ro có thể xảy ra, trong đó có những rủi ro có thể dự báo và không dự báo được
Ảnh: Tất Tiên
 
Đó là khuyến cáo của các chuyên gia đấu thầu của Hàn Quốc đối với việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam được đưa ra trong Khóa đào tạo về PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức mới đây tại Hà Nội. 
 
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc thực hiện các dự án PPP, GS. Eui Young Shon, Trường Đại học Seoul (Hàn Quốc) cho biết, khi ồ ạt thực hiện các dự án PPP mà không lựa chọn kỹ lưỡng và kèm theo đó là có bảo lãnh Chính phủ sẽ tạo nên nợ công bất thường, gây áp lực tài chính rất lớn trong tương lai. Lường trước điều này, ở Hàn Quốc, PPP được viết thành một chương trong tổng số 15 chương của Kế hoạch quản lý vốn quốc gia trung hạn 5 năm. Kế hoạch này cung cấp một cách rõ ràng những chi phí PPP cho các bộ, ngành; theo đó, để đảm bảo an toàn nợ công của Chính phủ, chi phí PPP không được vượt quá 2% tổng mức chi phí quốc gia hàng năm nhằm đảm bảo nguồn tài chính rõ ràng và ổn định.
 
Theo GS. Eui Young Shon, bản chất của PPP là hợp đồng dài hạn giữa khu vực tư nhân và cơ quan nhà nước nhằm cung cấp tài sản hoặc dịch vụ công, trong đó khu vực tư nhân chịu những rủi ro và trách nhiệm quản lý nhưng lại thu lợi nhuận từ việc thực hiện dự án. Vì vậy, GS. Eui Young Shon cho rằng: “Đối với một hợp đồng dự án PPP, chúng ta nên cố gắng ghi vào trong hợp đồng tất cả những rủi ro có thể xảy ra, trong đó có những rủi ro có thể dự báo và không dự báo được. Điều này sẽ góp phần xây dựng được hợp đồng tốt hơn, an toàn hơn”.
 
Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, GS. Eui Young Shon chỉ ra, có hai loại rủi ro thường gặp nhất trong các dự án PPP là rủi ro thi công và rủi ro dự báo cầu. Theo quy định trong chính sách PPP của Hàn Quốc, với những rủi ro trong thi công dự án PPP, nhà đầu tư tư nhân sẽ phải chịu hoàn toàn chi phí, Chính phủ sẽ không bảo lãnh phần chi phí này. Còn với rủi ro thứ hai, việc dự báo cầu cũng không hề đơn giản đối với một dự án PPP có hợp đồng kéo dài tới vài chục năm. Vì thế, nếu trong hợp đồng, nhà đầu tư tư nhân không dự báo chính xác những rủi ro này thì có thể họ sẽ phải đối phó với thất bại kinh doanh.
 
Các chuyên gia đấu thầu của Hàn Quốc cho biết, đến năm 2014, Hàn Quốc có 662 dự án PPP, trong đó, có 221 dự án thực hiện theo hợp đồng BTO và 441 dự án thực hiện theo hợp đồng BTL. Trong quá trình thực hiện các dự án PPP ở Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã đạt được những thành công, song cũng phải gánh một số thất bại do không dự báo được những rủi ro. Đơn cử như việc không dự báo được rủi ro ở dự án Đường sắt ra sân bay Incheon. Đây là dự án PPP do Nhà nước đề xuất có chiều dài toàn tuyến là 61km, thời gian chuyển nhượng là 30 năm, bảo lãnh doanh thu tối thiểu là 90% doanh thu ước tính. Tuy nhiên, do công tác dự báo không tốt, nên khi đưa Dự án vào khai thác thì nhu cầu thực tế thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu ước tính. Thêm vào đó, Dự án cũng bị chỉ trích do phần trợ cấp của Chính phủ ở mức cao.
 
 Dẫn chứng thêm cho luận điểm này, GS. Hyeon Park, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư công (PIMAC) thuộc KDI chia sẻ, Philipines cũng gặp thất bại trong việc thực hiện một dự án sân bay quốc tế đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể là tại dự án này, nhà đầu tư tư nhân đã không thực hiện đúng thời hạn tiến độ đưa ra do hai bên đã xảy ra những tranh chấp. Do vậy, khi hầu hết các hạng mục khác của Dự án đã hoàn thành thì phần hạng mục chính của công trình lại bị bỏ dở. Đến nay, dự án sân bay này chỉ phục vụ được cho những chuyến bay nội địa, chứ không phải là sân bay quốc tế như mục tiêu đặt ra ban đầu.
 
Cũng theo GS. Hyeon Park, để quản lý hiệu quả các dự án PPP, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một đơn vị phụ trách có tên là PIMAC trên cơ sở hợp nhất từ PIMA (Trung tâm Quản lý đầu tư công) và PICKO (Trung tâm Đầu tư kết cấu hạ tầng Hàn Quốc) vào năm 2005. Trung tâm này có nhiệm vụ trợ giúp Chính phủ Hàn Quốc quản lý các dự án PPP, lập các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc kiểm tra mức độ đầu tư khả thi khác của dự án đầu tư công nhằm đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính.
 
“Những thành công cùng những thất bại trong việc thực hiện các dự án PPP ở các nước sẽ là bài học quý để Việt Nam rút kinh nghiêm, từ đó thực hiện hiệu quả các dự án PPP tại quốc gia mình”, GS. Hyeon Park nhấn mạnh.
 
 
 
 T.Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)