• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Hệ thống đấu thầu qua mạng phải tích hợp nhiều chức năng 

Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đã được triển khai thí điểm tại Việt Nam gần 6 năm, nhưng đến nay, sự tham gia của các bên vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân. Để triển khai thành công ĐTQM, chỉ bên mua (bên mời thầu) và bên bán (nhà thầu) là chưa đủ, mà cần có tham gia phối hợp của nhiều bên có liên quan, kể cả gián tiếp và trực tiếp.

IMG
Theo chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), để thực hiện đấu thầu qua mạng một cách
bài bản cần phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, kết nối với nhiều hệ thống khác, chứ không chỉ có bên mua và bên bán
Ảnh: B.T
 
Vấn đề này đã được đại diện của các bộ, ngành, các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, cùng một số nhà tài trợ, bên mời thầu, nhà thầu và nhà đầu tư thảo luận sôi nổi tại Khóa tập huấn “Triển khai ĐTQM và kinh nghiệm quốc tế” diễn ra trong 2 ngày (27 - 28/8) tại Hà Nội.
 
Còn nhiều rào cản trong triển khai đấu thầu qua mạng
Phát biểu tại Khóa tập huấn, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhìn chung, việc triển khai ĐTQM tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực so với thời điểm bắt đầu thực hiện vào năm 2009. Trước tiên là hệ thống văn bản pháp lý về ĐTQM đã từng bước được hoàn thiện, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. ĐTQM đã sớm được nhận thức và đưa vào Luật từ năm 2005 (Điều 30 của Luật Đấu thầu năm 2005) cùng các văn bản hướng dẫn chi tiết. Mới đây nhất, Luật Đấu thầu năm 2013 với nhiều quy định về ĐTQM và được cụ thể hóa thông qua Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư… và sắp tới, các thông tư hướng dẫn đăng tải thông tin về đấu thầu, đấu thầu qua mạng… sẽ được ban hành. Điều này cho thấy, ĐTQM với những lợi ích và vai trò thiết thực đã sớm được xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện, mặc dù thực tế triển khai vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, kỳ vọng.
 
Về kết quả triển khai ĐTQM trên thực tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Sơn cho biết, ngay khi Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2015, số lượng các nhà thầu đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tăng lên một cách đột biến so với trước. Mặc dù từ năm 2005 hoặc trước đó nữa, nhiều nhà thầu đã nhận diện được những tiện ích mà phương thức ĐTQM có thể mang lại, gia tăng cơ hội tham gia đấu thầu và rất mong muốn tham gia, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, cách thức tham gia, đầu mối liên hệ… Rõ ràng với kỹ năng và sự năng động của mình trong việc tìm kiếm những những phương thức làm ăn mới và hiệu quả hơn, nhiều doanh nghiệp là nhà thầu đã rất nhanh nhạy đăng ký tham gia Hệ thống ngay khi Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực, mặc dù lúc đó chưa có quy định cụ thể về lộ trình bắt buộc đăng ký tham gia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận nhà thầu lại không muốn tham gia phương thức đấu thầu mới mẻ và hiện đại này bởi nó quá minh bạch, cạnh tranh, trong khi họ vẫn có thói quen là thích nhận được những hợp đồng thông qua con đường quan hệ thân quen, “đi đêm” với chủ đầu tư, bên mời thầu.
 
Còn phía bên mời thầu, đến nay đã có một số chủ đầu tư, bên mời thầu bắt tay vào thử nghiệm tham gia đấu thầu điện tử, một số đơn vị có số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM lên tới con số hàng trăm gói/năm. Có thể kể đến một số đơn vị như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Dầu khí… và một số địa phương như: TP.HCM, TP. Hà Nội, Bắc Ninh… Thậm chí, một số đơn vị không thuộc đối tượng thí điểm ĐTQM, nhưng họ đã chủ động và tích cực triển khai phương thức đấu thầu này. Mặc dù vậy, theo đánh giá, sự tham gia ĐTQM của các bên vẫn còn nhiều hạn chế và rào cản, trong đó chủ yếu là về mặt tâm lý và văn hóa, không muốn mất đi quyền kiểm soát…
 
Cần sự tham gia hỗ trợ của các bên liên quan
Bên cạnh những hạn chế từ phía bên mời thầu và nhà thầu, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện nay về công nghệ, chức năng kết nối thông tin, nguồn lực, đào tạo, truyền thông...
 
Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Sơn cho biết, những hạn chế về công nghệ sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Sơn, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để vận hành và nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo hình thức PPP. Việc huy động khu vực tư nhân tham gia đầu tư Hệ thống sẽ tận dụng những năng lực về tài chính, kỹ thuật và vận hành, đào tạo, truyền thông… của khu vực này. 
 
Theo chuyên gia tư vấn quốc tế của Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), để thực hiện ĐTQM một cách bài bản, cần phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, kết nối với nhiều hệ thống khác, chứ không chỉ có bên mua và bên bán. Chẳng hạn, cơ chế giải ngân vốn liên quan đến Bộ Tài chính; cơ chế bảo đảm dự thầu, thanh toán… cần có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; dữ liệu về nhà thầu liên quan đến thông tin về đăng ký doanh nghiệp, thông tin về thuế, hải quan… Do đó, hệ thống ĐTQM cần có sự tích hợp và kết nối đầy đủ các chức năng trên. 
 
Tuy nhiên, theo ông Rajesh Kumar Shakya, chuyên gia tư vấn quốc tế về đấu thầu điện tử của USAID, theo kinh nghiệm từ 120 quốc gia triển khai ĐTQM trên thế giới, nếu để mỗi đơn vị triển khai một hệ thống riêng biệt, thì sẽ rất khó quản lý; lãng phí nguồn lực, tài nguyên, công nghệ; gây khó khăn, phiền hà cho nhà thầu vì phải ghi nhớ quá nhiều mật khẩu, mất nhiều thời gian tra cứu và tìm kiếm thông tin… Do đó, việc triển khai ĐTQM nên thống nhất về một mối với “cơ chế một cửa”, xây dựng một hệ thống ĐTQM tích hợp và duy nhất. “Muốn làm được như vậy, ngay từ bây giờ, các bên liên quan nên có sự phối hợp, tương tác lẫn nhau để cùng nhau xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tích hợp đầy đủ các chức năng, hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy triển khai mạnh mẽ ĐTQM tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Rajesh Kumar Shakya khuyến nghị.
 
 
 
Bích Thủy
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)