• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
“Đừng đẩy chủ dự án vào ngõ hẹp” 
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế về chủ trương thu hồi 536 dự án bất động sản (BĐS) chậm triển khai đang nằm trong danh sách phải bị thu hồi của TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đặt câu hỏi: Sau khi thu hồi thì việc xử lý lợi ích của người có đất, người sử dụng đất, chủ đầu tư như thế nào? Đây là một vấn đề rất lớn, nếu xử lý không khéo thì sẽ thêm gánh nặng cho nền kinh tế. 
 
IMG
TP.HCM sẽ kiên quyết thu hồi, chuyển đổi mục đích đầu tư đối với 536 dự án không triển khai
sau khi được các cơ quan liên quan sàng lọc và trình UBND Thành phố xem xét
                                                                                             Ảnh: Nhã Chi

Tại Kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP.HCM mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết, tiến độ thực hiện các dự án BĐS đã được chấp thuận địa điểm đầu tư, đã giao đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn TP.HCM rất chậm, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của Thành phố. Trước thực trạng này, sắp tới Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi, chuyển đổi mục đích đầu tư đối với 536 dự án không triển khai sau khi được các cơ quan liên quan sàng lọc và trình UBND TP.HCM xem xét. 
 
Qua kết quả kiểm tra, nhìn chung phần lớn các dự án có tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư khá chậm sau khi được chấp thuận địa điểm hoặc đã được cấp giấy phép đầu tư. Nguyên nhân chậm triển khai là do phần lớn diện tích đất thuộc dự án thường không đạt được sự thỏa thuận tốt nhất về đơn giá bồi thường, hỗ trợ, trong khi đó diện tích đất đã đền bù theo kiểu “da beo” không liền khoảnh, do vậy, việc triển khai thi công các công trình hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật và khai thác sử dụng đất đối với phần đã bồi thường cũng khó thực hiện.
 
Trong khi đó, mặc dù các cơ quan nhà nước trong thời gian qua luôn phấn đấu đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình và thời gian so với quy định, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều chủ đầu tư thì thủ tục hành chính từ khâu tìm hiểu dự án, lập dự án tiền khả thi, nghiên cứu báo cáo tác động môi trường… còn rườm rà và kéo dài, chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị với nhau. Từ đó làm cho chi phí đầu tư vào đất tăng cao, dẫn đến các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai. 
 
Mặt khác, chính tình hình thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng ở tất cả các phân khúc, cộng với chính sách thắt chặt tín dụng làm cho phần lớn nhà đầu tư không huy động được vốn, không đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, chứ không chỉ do các nhà đầu tư không làm tốt việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
 
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu ý kiến, khi cơ quan nhà nước có quyết định thu hồi dự án đầu tư thì phải xem lại việc dự án đầu tư đó chậm bắt nguồn từ việc chủ đầu tư không muốn làm hay do thủ tục hành chính gây nên, như quá dài, nhiêu khê để nhà đầu tư rơi vào trạng thái “bất động”. Ở đây chúng ta phải nhìn nhận rằng đó là lỗi thủ tục, chứ không phải do chủ đầu tư gây ra. 
 
Ông Đực đưa ra ví dụ, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng thì trong một thời gian ngắn theo cam kết không thể nào tiến hành bồi thường được hết 100%. Tiếp nữa, dự án đã bị thu hồi rồi, tiền thì chủ đầu tư đã đền bù cho dân, vậy ai sẽ là người trả tiền lại cho chủ đầu tư hay xử theo kiểu tịch thu dự án? Nếu xem đây là trường hợp tịch thu dự án thì hoàn toàn trái luật, còn trả lại tiền cho nhà đầu tư thì Thành phố lấy nguồn đâu mà trả? Ngay cả chuyện bồi thường giải tỏa những dự án sử dụng nguồn ngân sách thì hiện vẫn không đủ nguồn để chi trả, nhiều dự án vẫn chậm tiến độ hàng năm trời.
 
“Nếu không khéo thì sẽ xảy ra trường hợp nhiều chủ đầu tư “chạy” để được tiếp tục làm dự án”, ông Đực nói. 
 
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hà Nội, phân tích, bây giờ thị trường BĐS đã quá khó khăn, chủ trương thu hồi dự án chậm tiến độ không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”. 
 
Đã vậy, ngoài chuyện chính quyền địa phương đòi thu hồi dự án, đi theo đó là đòi DN phải đóng tiền thế chân (ký quỹ). “Trong khi DN đang cạn vốn, không huy động được từ bên ngoài, và vốn dự án đều là vốn vay… càng làm DN thêm bế tắc” - ông Điệp cho biết thêm.
 
 
 
Minh Tú
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)