Việc ban hành cặp Nghị định là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thàu về lựa chọn nhà đầu tư đã tạo lập một khung pháp lý về PPP khá rõ ràng, hiện đại, tiệm cận với các thông lệ tốt của quốc tế. Tuy nhiên, để đưa những quy định mới này vào cuộc sống, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng cần thống nhất cách hiểu và thực hiện nhất quán giữa các bộ, ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương, cũng như các nhà đầu tư, các bên cho vay, các định chế tài chính.
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định,
Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP tại Việt Nam
Ảnh: Lê Tiên
Đây là một trong những mục đích chính của Hội nghị phổ biến 2 Nghị định nói trên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UKAID tổ chức ngày 25/6 tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện hơn 30 đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, 10 phòng thương mại của các nước, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID)… cùng các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trong và ngoài nước.
Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, Bộ KH&ĐT nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung mong muốn thông qua các kênh ngoại giao, đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, phòng thương mại của các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trong và ngoài nước sẽ làm cầu nối chuyển thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư, các định chế tài chính trên thế giới khẳng định của Chính phủ Việt Nam là luôn tạo điều kiện đầu tư thông thoáng và thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án PPP tại Việt Nam. Luật Đầu tư công của Việt Nam và Chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm này của Việt Nam và xác định rõ mức độ ưu tiên hàng đầu trong các dự án đầu tư công trong thời gian tới.
Nhiều điểm mới trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và
Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được ghi nhận và đánh giá cao
Ảnh: Tiên Giang
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ann Freckleton – Trưởng đại diện DFID tại Việt Nam chia sẻ những ấn tượng sâu sắc đối với sự nỗ lực của Bộ KH&ĐT trong quá trình tham vấn để cải tiến hệ thống pháp lý về PPP của Việt Nam. Chính phủ Anh và chính phủ của các nước cũng đã có những hỗ trợ tích cực cho Bộ KH&ĐT trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật này. DFID tin tưởng rằng những văn bản quy phạm pháp luật mới về PPP sẽ làm thay đổi tầm nhìn và nâng cao hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam.
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy sử dụng vốn nhà nước, việc huy động vốn của nhà đầu tư tư nhân sẽ góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho” như lâu nay, giúp cho đầu tư công hiệu quả hơn. Với mục đích tìm kiếm nguồn vốn và kinh nghiệm của các bên, Chính phủ Việt Nam mong muốn các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, phòng thương mại sẽ làm cầu nối với nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
Bà Ann Freckleton, Trưởng đại diện Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam:
Về phía DFID, chúng tôi cho một điểm cộng đối với 2 Nghị định này so với các văn bản pháp quy trước đây mới chỉ cho phép dự án thí điểm. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng qua việc cải tiến môi trường đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam thông qua việc bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ trong các dự án PPP… Chúng tôi đánh giá cao việc hỗ trợ cải tiến hệ thống pháp lý đang được triển khai giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển như WB, ADB… Điều này không chỉ khuyến khích đầu tư, làm cho nhà đầu tư tin tưởng hơn, mà còn góp phần làm sáng tỏ các thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai và hiện thực hóa các văn bản pháp quy về PPP tại Việt Nam.
Ông Stanley Boots, Chuyên gia quốc tế về pháp lý của Ngân hàng Phát triển châu Á:
Chưa bao giờ có một văn bản pháp quy nào của Việt Nam lại nhận được nhiều hỗ trợ cả về tăng cường năng lực nhận thức cũng như về kỹ thuật xây dựng như Nghị định về PPP. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của các chính phủ, tổ chức quốc tế và các bên liên quan đối với dự án PPP tại Việt Nam.
Từ góc độ của DFID, bà Ann Freckleton cũng bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào các dự án PPP trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, quản lý nguồn nước và quản lý rác thải… Sự đột phá của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP chính là đưa ra được một định nghĩa đầy đủ về PPP, đồng thời tích hợp được tất cả quy định hướng dẫn nhà đầu tư lựa chọn được lĩnh vực ưu tiên và quy trình đầu tư. “Trong số các loại hợp đồng của hình thức đầu tư PPP, chúng tôi rất thích loại hợp đồng BLT, bởi nó giống với các dự án đã và đang được triển khai ở châu Âu. Chúng tôi cũng ghi nhận phạm vi của dự án PPP đã được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn, từ khía cạnh kết cấu hạ tầng, khoa học và công nghệ, đến các lĩnh vực an sinh xã hội, nước sạch, xử lý rác thải, y tế...”, bà Ann Freckleton phát biểu tại Hội nghị.
Thảo luận về những đổi mới mang tính đột phá của 2 Nghị định, ông Lê Văn Tăng cho rằng, để hiểu được hồn cốt của 2 Nghị định mới này, trước tiên phải hiểu được bản chất dự án PPP là gì? “Tất cả các dự án PPP như sân bay, bến cảng, nhà máy điện, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, trường học, bệnh viện… đáng ra là nhiệm vụ mà Nhà nước phải làm, nhưng Nhà nước không có đủ nguồn lực, hoặc có nguồn lực nhưng khâu quản lý, vận hành khai thác không hiệu quả, do đó cho phép khu vực tư nhân bỏ vốn vào đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và được bù đắp cho những khoản đã đầu tư”, ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh khi phổ biến về 2 Nghị định và nhận định: “Đây không phải là một lĩnh vực quá mới mẻ tại Việt Nam vì đã được thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên cho đến nay vẫn có nhiều cách hiểu không rõ ràng, thậm chí nhầm lẫn với hợp tác công - công”.
Đồng quan điểm này, ông Stanley Boots, chuyên gia quốc tế về pháp lý của ABD cho rằng, để triển khai thành công dự án PPP, 2 Nghị định này là chưa đủ, mà cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, cùng với việc tăng cường nâng cao năng lực nhận thức về khung pháp lý này từ cấp Trung ương tới địa phương để thống nhất cách hiểu cũng như cách triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận để làm rõ những điểm mới, khác biệt trong 2 Nghị định và tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong các vấn đề như chuyển đổi ngoại tệ, lĩnh vực khuyến khích đầu tư, công khai mẫu hồ sơ mời thầu, hợp đồng cũng như danh mục dự án PPP, dự án do nhà đầu tư đề xuất…
Cũng tại Hội nghị, đại diện một số phòng thương mại nước ngoài bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể chia sẻ các mẫu thủ tục để thực hiện các dự án PPP nhằm giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian và kinh phí chuẩn bị dự án PPP. Về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng cho biết, Bộ KH&ĐT đang xây dựng các thông tư hướng dẫn việc sử dụng, quy trình sử dụng Quỹ VGF; các bộ thủ tục đấu thầu và mẫu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hợp đồng trên cơ sở tham vấn ý kiến của các bên liên quan để xây dựng mẫu hợp đồng nền tảng. Trên cơ sở mẫu chung này, các bộ, ngành sẽ xây dựng các mẫu hợp đồng phù hợp với từng lĩnh vực đặc thù. Các mẫu này sẽ được đăng tải công khai trên website của Bộ KH&ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, đối với một dự án PPP cụ thể, trước khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức hội nghị tiền sơ tuyển nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ mời thầu. Hiện nay, các nghị định này cũng đã được công khai trên website của Bộ KH&ĐT cả bản tiếng Việt và tiếng Anh. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2016, các văn bản hướng dẫn sẽ được hoàn thiện để tạo điều kiện triển khai thuận lợi các dự án PPP trong tương lai.
Còn đối với danh mục các dự án PPP kêu gọi đầu tư, đại diện Bộ KH&ĐT tại Hội thảo cho biết, sắp tới sẽ công bố danh mục dự án PPP, nhưng cách làm sẽ thận trọng và chặt chẽ, không làm ào ạt như trước đây là các bộ, ngành, địa phương đăng ký hàng trăm dự án, nhưng sau khi rà soát thì chưa đến 10 dự án có tính khả thi.
Kết thúc Hội nghị, ông Lê Văn Tăng khẳng định, Bộ KH&ĐT luôn cam kết sẽ lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc và lựa chọn giải pháp tốt nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án PPP.
Bích Thủy
Người đăng: T.An