Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại cuộc giao ban tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 24/6 cho thấy, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2014. GDP 6 tháng ước tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao so với cùng kỳ các năm gần đây, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao (8,36%).
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014
Ảnh: Lê Tiên
Một trong những tín hiệu vui thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp tăng khá cao, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Theo ước tính của Bộ KH&ĐT dựa trên số liệu đến ngày 15/6/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước 6 tháng tăng khoảng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (5,8%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10% (6 tháng đầu năm 2014 tăng 7,8%).
Ngành công nghiệp xây dựng cũng có dấu hiệu phục hồi tốt. Nhóm nguyên, vật liệu chính phục vụ xây dựng như xi măng, sắt thép theo số liệu của Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm trước (tiêu thụ thép tăng 20%, tổng sản lượng xi măng tăng 10,5%).
Hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, theo số liệu của Bộ KH&ĐT, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này ước đạt 52,7 tỷ USD, tăng 20,8% và chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 22,86 tỷ USD, giảm 2,9%.
Về nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,8 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 32,7%, tăng 7,7%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu khoảng 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 6,07 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 9,83 tỷ USD.
Theo nhận định của đại diện Vụ Kinh tế dịch vụ thuộc Bộ KH&ĐT, nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng là dấu hiệu phản ánh sản xuất trong nước đã có chuyển biến so với 2 năm vừa qua.
Tình hình phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm cũng cho thấy dấu hiệu tốt của nền kinh tế. Trong 6 tháng qua, cả nước có trên 45,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 282,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có gần 11 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 308,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt hơn 591 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là 8.507 doanh nghiệp, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2015 đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước với con số là hơn 4,7 nghìn doanh nghiệp. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước (trên 27 nghìn doanh nghiệp).
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, sự giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là quy luật khách quan. Chừng nào số doanh nghiệp thành lập mới còn cao hơn số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động thì nền kinh tế vẫn đang phát triển ổn định.
Nguyệt Minh
Người đăng: T.An