• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
QUY CHẾ TIẾP CÔNG DÂN TẠI SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH PHƯỚC 
  
 Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế tiếp công dân (sau đây được gọi là Quy chế) của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước (sau đây được gọi là Sở) quy định việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tại Sở.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này được áp dụng đối với Chánh Thanh tra Sở, Trưởng các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị thuộc Sở; công chức thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tiếp công dân.
Người, cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tại Phòng Tiếp công dân của Sở Kế hoạch và Đầu tư về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở.
Điều 3. Mục đích của việc tiếp công dân
1. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ý kiến đóng góp thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở để xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
 
Chương II
TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN, NGƯỜI KHIẾU NẠI, NGƯỜI TỐ CÁO, NGƯỜI KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH
Điều 4. Trách nhiệm tổ chức tiếp công dân
Thanh tra Sở giúp Giám đốc Sở tổ chức tiếp công dân. Chủ trì phối hợp với Trưởng phòng các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở tổ chức việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tổng hợp, báo cáo tình hình tiếp công dân của Sở.
Điều 5. Phòng tiếp công dân
1. Phòng tiếp công dân đặt tại trụ sở làm việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư, số 626, Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
2. Phòng tiếp công dân phải bố trí các điều kiện vật chất cần thiết (có bàn ghế làm việc, có ghế cho công dân ngồi,…) để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được dễ dàng và thuận lợi. Phòng tiếp công dân phải niêm yết Nội quy tiếp công dân và Lịch tiếp công dân.
Điều 6. Công chức tiếp công dân
Công chức tiếp công dân là công chức thuộc biên chế của Sở do Chánh Thanh tra Sở phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên vào các ngày làm việc trong tuần tại Phòng tiếp công dân.
Điều 7. Giám đốc Sở tiếp công dân
1. Giám đốc Sở tiếp công dân vào ngày 15 hàng tháng, nếu ngày tiếp công dân của Giám đốc Sở trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo liền kề. Ngoài thời gian tiếp công dân định kỳ hàng tháng, Giám đốc Sở tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị.
Trường hợp Giám đốc Sở không thể tiếp công dân theo lịch đã định thì Giám đốc Sở ủy quyền cho một Phó Giám đốc hoặc Chánh Thanh tra tiếp công dân và sau đó có trách nhiệm báo cáo lại với Giám đốc Sở.
2. Theo yêu cầu của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực công tác có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền, Chánh Thanh tra Sở phải phối hợp với các phòng liên quan thu thập tài liệu liên quan và hướng xử lý giải quyết báo cáo trước khi Giám đốc Sở tiếp công dân.
3. Thanh tra Sở lập kế hoạch, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, báo cáo Giám đốc trước khi Giám đốc Sở tiếp công dân.
4. Khi Giám đốc Sở hoặc Phó Giám đốc Sở yêu cầu Chánh Thanh tra Sở hoặc Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Sở cùng tiếp công dân thì những người này có trách nhiệm cùng dự.
5. Chậm nhất sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày Giám đốc Sở tiếp công dân, Chánh Thanh tra có trách nhiệm phối hợp với các phòng chuyên môn xử lý kết luận của Giám đốc thông báo cho công dân và các phòng liên quan hoặc báo cáo UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh (nếu có).
Điều 8. Thời gian, địa điểm tiếp công dân
Thời gian tiếp công dân được thực hiện trong giờ hành chính (từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần) và được thực hiện tại Phòng tiếp công dân của Sở Kế hoạch và Đầu tư, số 626, Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Nghiêm cấm việc tiếp công dân tại nhà riêng.
 
 
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÔNG CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 9. Trách nhiệm của công chức tiếp công dân
Khi tiếp công dân, công chức tiếp công dân có trách nhiệm:
1. Mặc trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức hoặc phù hiệu theo quy định.
2. Có thái độ hoà nhã, lịch thiệp; không gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở, trì hoãn việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; không được tiết lộ những thông tin, tài liệu, bút tích của người tố cáo theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện đúng quy trình tiếp công dân.
Điều 10. Nhiệm vụ của công chức tiếp công dân
Công chức tiếp công dân có nhiệm vụ:
1. Là đầu mối tiếp xúc ban đầu với công dân để nắm rõ mục đích, yêu cầu, nguyện vọng của công dân.
2. Lắng nghe, giải thích, hướng dẫn, ghi chép nội dung tiếp công dân theo quy định; trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung thì yêu cầu cử đại diện trực tiếp trình bày sự vụ.
3. Giải thích, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở.
4. Viết biên nhận các tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị do công dân cung cấp; giấy biên nhận phải có chữ ký của người cung cấp tài liệu.
5. Báo cáo ngay Chánh Thanh tra Sở và thông báo cho bảo vệ cơ quan để có biện pháp giải quyết kịp thời, ổn định tình hình và trật tự công sở trong trường hợp công dân gây mất trật tự tại Phòng tiếp công dân;
6. Tập hợp, báo cáo Chánh Thanh tra Sở đối với trường hợp công dân yêu cầu được Giám đốc Sở tiếp.
7. Theo dõi, thống kê, tổng hợp, lập báo cáo về tình hình tiếp công dân.
8. Chánh Thanh tra Sở tham mưu cho Giám đốc Sở giải quyết khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 11. Quyền của công chức tiếp công dân
Công chức tiếp công dân có quyền:
1. Yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tuỳ thân, giấy ủy quyền (nếu có);
2. Từ chối tiếp công dân trong trường hợp:
- Công dân không xuất trình giấy tờ;
- Người khiếu nại về vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
- Khiếu nại đã được Toà án thụ lý giải quyết;
- Người đang trong tình trạng say do dùng chất kích thích;
- Người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình; 
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ;
- Người có hành vi vi phạm nội quy Phòng tiếp công dân.
3. Yêu cầu xuất trình thẻ Luật sư trong trường hợp có Luật sư giúp đỡ người khiếu nại; từ chối tiếp Luật sư nếu không xuất trình thẻ Luật sư.
4. Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, lý do và yêu cầu cung cấp những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo.
5. Trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trực tiếp mà không có đơn mà vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thì công chức tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn hoặc ghi chép nội dung công dân trình bày và đọc lại nội dung đã ghi cho công dân được nghe, yêu cầu công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ vào văn bản đó.
6. Trường hợp vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thì công chức tiếp công dân hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc.
Chương IV
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG DÂN KHI ĐẾN PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
1. Khi đến Phòng tiếp công dân của Sở Kế hoạch và Đầu tư, công dân có quyền:
a) Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
b) Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;
c) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;
d) Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
đ) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Khi đến Phòng tiếp công dân của Sở Kế hoạch và Đầu tư, công dân có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);
b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;
d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;
đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.
 
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở, Trưởng các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở
1. Chánh Thanh tra Sở giúp Giám đốc Sở tổ chức tiếp công dân; tham mưu cho Giám đốc Sở xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; theo dõi, lưu trữ, kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân của Sở, báo cáo theo quy định.
2. Chánh Thanh tra Sở, Trưởng các phòng chuyên môn có trách nhiệm phối hợp để xác minh đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình khi được Giám đốc giao.
3. Công chức tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với các phòng, đơn vị có liên quan tổng hợp tình hình tiếp công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân và thường xuyên báo cáo Chánh Thanh tra Sở.
Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tiếp công dân được biểu dương, khen thưởng kịp thời theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tinh chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Định kỳ vào ngày 15 của tháng cuối hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất báo cáo bằng văn bản theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.  

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)