• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Cần sớm xây dựng đạo luật về đầu tư theo hình thức PPP 

Nhiều ý kiến tại Hội thảo “Vốn để phát triển hạ tầng giao thông: Nhu cầu và giải pháp” vừa diễn ra tại Hà Nội đã đề xuất, Việt Nam cần sớm có luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vì đây là một hình thức đầu tư quan trọng để huy động thêm nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ công tại Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành luật về PPP để tạo khung khổ pháp lý ổn định cho mô hình đầu tư này.

 
IMG
Việc triển khai mô hình PPP trong lĩnh vực giao thông tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải nói riêng và kết cấu hạ tầng của Việt Nam nói chung
 Lê Tiên
 
Nhiều tiềm năng cho mô hình PPP trong hạ tầng giao thông
Theo ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nếu Việt Nam dành khoảng 4% GDP đầu tư hạ tầng giao thông như hai thập kỷ vừa qua và GDP đạt được mức tăng trưởng 7%/năm thì từ nay đến năm 2035, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vào khoảng 350 tỷ USD. Nếu mức đầu tư dưới 2% GDP, một mức cao so với xu hướng chung của các nước ở cùng mức độ phát triển của Việt Nam, thì con số cũng vào khoảng 200 tỷ USD. 
Còn theo tính toán của ông Nguyễn Danh Huy thuộc Ban quản lý đầu tư các dự án PPP của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng 1.015 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu từ nguồn ngân sách dự kiến của Bộ GTVT khoảng 28%; còn theo hướng dẫn xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì khả năng ngân sách đáp ứng chỉ khoảng 7% nhu cầu (66 nghìn tỷ đồng). 
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, việc triển khai mô hình PPP trong lĩnh vực giao thông tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống GTVT nói riêng và kết cấu hạ tầng của Việt Nam nói chung. Nhu cầu đầu tư các dự án PPP giao thông tại Việt Nam là rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực triển khai mô hình PPP theo đúng thông lệ quốc tế có sự kết hợp kinh nghiệm thành công của một số nước trên thế giới, điều này tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ từ các chính phủ, tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế.
Ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh, tuy PPP không phải là “chìa khoá vạn năng” để giải quyết những tồn tại trong đầu tư kết cấu hạ tầng, nhưng có thể xem PPP là một công cụ hữu hiệu để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển và là giải pháp tăng hiệu quả đầu tư nhờ phân công hợp lý giữa khu vực công và khu vực tư theo hướng mỗi khu vực đảm nhiệm phần công việc mà mình có lợi thế hơn. 
 
Cần có Luật về PPP
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đến nay, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là hai văn bản quy định cụ thể nhất, bước đầu tạo lập môi trường chính thống cho hoạt động thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ công tại Việt Nam. Sự ra đời của 2 Nghị định này đánh dấu một bước ngoặt lớn về thể chế trong hoạt động thu hút đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng và dịch vụ công. 
 
IMG
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT: Để thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đầu tiên cần xác định phạm vi, xây dựng Danh mục dự án PPP, trong đó đặc biệt chú ý hỗ trợ các dự án tiên phong, tạo hình ảnh tốt ban đầu cho các dự án PPP giao thông đối với thị trường trong và ngoài nước. Thứ hai, cần chuẩn bị nguồn lực, công cụ tài chính, lưu ý tập trung vốn ODA cho PPP; đồng thời, Bộ GTVT cần xác định nhu cầu cũng như khả năng cân đối vốn trung hạn để đưa ra kế hoạch đầu tư khả thi. Tiếp theo, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý; đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự; hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính. Và giải pháp đặc biệt quan trọng là thay đổi nhận thức, tư duy và hành động về PPP, bởi yếu tố quan trọng nhất của mọi thành công vẫn là con người, khi tư duy của người thực hiện không thay đổi thì những sự đột phá, cải tiến, quyết liệt về thể chế, chính sách,... cũng sẽ không có kết quả.
 
IMG
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Việc khơi thông các nguồn vốn cho hạ tầng giao thông là rất quan trọng, và cần phải thay đổi tư duy, tầm nhìn phát triển hạ tầng giao thông. Dù vẫn khẳng định nguồn vốn nhà nước là chủ đạo để xây dựng nền tảng vững chắc cho hạ tầng giao thông, nhưng huy động vốn từ tư nhân cũng là một giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông. Muốn thu hút được nhà đầu tư tư nhân thì phải thay đổi cách "ứng xử" với các nhà đầu tư. Đầu tiên, phải có khung khổ pháp lý an toàn. Thứ hai, phải nhìn nhận một cách bình đẳng, tư cách của nhà đầu tư phải được xác lập một cách vững chắc, nhà đầu tư hiện nay vẫn ở tư thế xin, Nhà nước vẫn ở tư thế cho.
 
IMG
Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright: 9 điều kiện tạo ra sự thành công của dự án PPP: Kế hoạch lập chặt chẽ, rõ ràng; Ước tính chặt chẽ các chi phí và nguồn thu; Người sử dụng sẵn sàng chi trả và kế hoạch truyền thông tốt; Nghiên cứu khả thi được triển khai kỹ càng thông qua việc sử dụng các chuyên gia về PPP; Tuân thủ các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng; Khung pháp lý và thể chế phù hợp; Các thể chế mạnh với đầy đủ các nguồn lực; Quá trình đấu thầu cạnh tranh và minh bạch; Môi trường vĩ mô ổn định.
 
IMG
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Xem xét hình thành các quỹ hỗ trợ, phát triển dự án PPP sử dụng cho những mục đích như tạo vốn mồi cho các dự án, giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư thi công, bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu từ dự án không bù đắp được các chi phí... Nguồn hình thành các quỹ là từ nguồn thu có phát sinh liên quan đến sử dụng hạ tầng giao thông như đấu giá biển số xe; phí xăng dầu, bến bãi,...; nguồn thu từ quản lý và khai thác tài sản hạ tầng giao thông theo hướng bán quyền thu phí một số công trình giao thông được Nhà nước đầu tư; thu từ chuyển nhượng, cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; thu từ khai thác quỹ đất bên đường;... Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ sử dụng cho phần đóng góp của Nhà nước trong các dự án PPP; có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ làm phần tham gia của Nhà nước; đối với dự án do địa phương quản lý, nghiên cứu cho địa phương được sử dụng một phần thu vượt ngân sách để tham gia vốn của Nhà nước vào dự án PPP.
Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà cho rằng, cấp pháp lý cao nhất về PPP tại Việt Nam mới dừng lại ở cấp nghị định, nên hành lang pháp lý về PPP vẫn còn phụ thuộc nhiều vào văn bản cấp luật chuyên ngành, đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư. Ông Trần Bắc Hà đề xuất, trong 3 năm tới cần xây dựng Luật về PPP, nhiều quốc gia trên thế giới cũng ban hành Luật PPP để tạo hành lang pháp lý ổn định. Qua kinh nghiệm triển khai dự án PPP tại một số quốc gia có thể thấy, việc sớm hoàn thiện các luật liên quan tới PPP được các quốc gia rất quan tâm và được chỉnh sửa, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với tình hình thực tế. 
Nhiều tham luận, ý kiến tại Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp để thúc đẩy áp dụng mô hình PPP trong phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Danh Huy, nguồn lực và kỹ năng cần thiết để chuẩn bị và triển khai dự án PPP trong cả cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân là nhân tố rất quan trọng đảm bảo thành công của một dự án PPP. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu để xây dựng được một dự án PPP đảm bảo tính khả thi và an toàn cho các bên tham gia có vai trò quyết định để thu hút nhà đầu tư. 
Ông Nguyễn Danh Huy cũng dẫn kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển cho thấy, trong bước lập dự án và công bố dự án cho công chúng thì công tác phân tích, dự báo nhu cầu giao thông được thực hiện rất chi tiết và việc kiểm tra độc lập kết quả phân tích và dự báo nhu cầu giao thông là yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ với các dự án có nguồn đầu tư dạng ngân sách. Trong khi đó, tại Việt Nam, quy định về công tác phân tích, dự báo nhu cầu giao thông đã có nhưng còn khá sơ sài, dữ liệu đầu vào và phương pháp thực hiện chưa được chuẩn hoá, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau dẫn đến việc rất khó kiểm chứng và đánh giá hiệu quả thực sự của dự án PPP. Đây là vấn đề mấu chốt vì nếu thông tin đầu vào và quy trình công cụ đánh giá không phù hợp có thể dẫn tới các quyết định không đúng cho các dự án. 
 
 
Nguyệt Minh
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An

 

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)