• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Quản lý hiệu quả dự án đầu tư xây dựng 
(Chinhphu.vn) – Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong đó Bộ này đã đề xuất một số quy định về phân loại, phân nhóm dự án đầu tư xây dựng; trình tự thực hiện, nguyên tắc quản lý dự án đầu tư xây dựng...
Ảnh minh họa
 
Cụ thể, theo dự thảo, dự án đầu tư xây dựng được phân loại, phân nhóm theo loại công trình chính và các tiêu chí của Luật Đầu tư công để phân cấp quản lý, gồm: dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, nhóm B và nhóm C.
Trong đó, dự án quan trọng quốc gia gồm: Dự án sử dụng vốn đầu tư công có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng trở lên; dự án sử dụng vốn khác có tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng trở lên. Theo quy định hiện hành, dự án có sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên quy mô vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng trở lên được coi là dự án quan trọng quốc gia.
Ngoài ra, theo dự thảo, dự án quan trọng quốc gia cũng bao gồm các dự án như: Nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Theo dự thảo, dự án đầu tư xây dựng chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật gồm: 1- Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; 2- Công trình xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng; 3- Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích quảng cáo; 4- Công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).
 
3 giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng
Theo quy định tại Luật Xây dựng, trình tự đầu tư xây dựng có 3 giai đoạn gồm chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng, trừ trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Dự thảo đã nêu rõ 3 giai đoạn bao gồm các công việc cụ thể sau: Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: đề xuất dự án và xác định chủ trương đầu tư xây dựng; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.
Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có); chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác.
Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng gồm các công việc: nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; vận hành, chạy thử, quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng.
Tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của dự án, trình tự các công việc nêu trên có thể được thực hiện tuần tự hoặc kết hợp, xen kẽ.
Theo dự thảo, việc quản lý thực hiện dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng. Cụ thể: Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, toàn diện, theo đúng trình tự để bảo đảm mục tiêu đầu tư, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án; dự án sử dụng vốn hỗn hợp có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn công trái quốc gia, trái phiếu của Chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh được quản lý như đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách (trừ các dự án trên), Nhà nước quản lý về chủ trương đầu tư, mục tiêu, quy mô đầu tư, các tác động của dự án đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng, an ninh, quốc phòng và hiệu quả của dự án. Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm quản lý thực hiện dự án theo quy định.

Đối với dự án sử dụng vốn khác, Nhà nước quản lý về mục tiêu, quy mô đầu tư và các tác động của dự án đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng và an ninh, quốc phòng.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
 
 
 
Tuệ Văn
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)