• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính 
(Chinhphu.vn) – Bộ Tư pháp đang dự thảo dự án Luật ban hành quyết định hành chính (QĐHC) nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong pháp luật và thực tiễn ban hành QĐHC; đồng thời bảo đảm phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.
 
Ảnh minh họa
 
Bộ Tư pháp cho biết, rà soát hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước ta cho thấy mặc dù đã có nhiều văn bản quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhưng áp dụng cho từng lĩnh vực cụ thể và vì thế còn tản mát, riêng lẻ, không đầy đủ, trọn vẹn các vấn đề có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm tính hợp pháp, tính công khai, minh bạch, công bằng trong ban hành QĐHC.
Các khái niệm, hình thức, chủ thể ban hành QĐHC còn được quy định và hiểu rất khác nhau; việc ủy quyền ban hành QĐHC và trách nhiệm pháp lý của người ủy quyền và người được uỷ quyền chưa được quy định rõ; thiếu các quy định thống nhất về xác định hiệu lực của QĐHC, về việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, hủy bỏ, bãi bỏ QĐHC, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành QĐHC...
Những vướng mắc, bất cập trong pháp luật về ban hành QĐHC nêu trên đã dẫn đến nhiều hạn chế trong thực tiễn ban hành loại văn bản này, ví dụ như cán bộ, công chức lúng túng trong ban hành QĐHC; thẩm phán hành chính thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ để xem xét một QĐHC hợp pháp hay không hợp pháp; người dân thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để khiếu nại, khởi kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình vì không rõ QĐHC liên quan đến mình có thể bị vi phạm quy định nào, ở giai đoạn nào.
Quyết định hành chính là văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm giải quyết vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, nghĩa vụ, lợi ích của một, một số đối tượng xác định hoặc nhằm giải quyết một vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng, được nhà nước bảo đảm thực hiện.
Bên cạnh đó, chất lượng của QĐHC còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều trường hợp chưa thật sự hợp lý, khả thi, chưa bảo đảm tính công bằng. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các cơ quan hành chính nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung.
 
Phải có cơ chế kiểm soát hoạt động ban hành QĐHC
Bộ Tư pháp cũng cho biết, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định về cơ chế “kiểm soát” quyền lực giữa các cơ quan nhà nước (Điều 2 Hiến pháp). Sự đề cao nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước đặt ra yêu cầu phải ban hành các đạo luật để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, đồng thời tạo cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó có quyền hạn ban hành các văn bản pháp luật, góp phần thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ chú trọng đến các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản tố tụng, tạo khuôn khổ pháp lý để các cơ quan xây dựng, ban hành văn bản phải tuân theo. Trong khi đó, việc ban hành QĐHC - là văn bản áp dụng pháp luật đang diễn ra hàng ngày, ở các cơ quan và các cấp hành chính với số lượng lớn gấp nhiều lần các loại văn bản pháp luật khác, thì lại thiếu nền tảng là các nguyên tắc cơ bản của nền hành chính (như nguyên tắc về bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, pháp quyền) và thiếu quy trình cơ bản tạo khuôn khổ pháp luật để bắt buộc các cơ quan phải tuân theo khi ban hành QĐHC.
Do tầm quan trọng của QĐHC và hoạt động ban hành QĐHC, cần thiết phải có cơ chế kiểm soát hoạt động ban hành QĐHC – đây cũng là việc bổ sung một cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp (Quốc hội) đối với cơ quan hành pháp và giữa cơ quan tư pháp (Tòa án) đối với hoạt động hành pháp, nhằm bảo đảm tính hợp pháp, tính hợp lý, tính khả thi của QĐHC, qua đó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của nền hành chính nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước nói chung, đồng thời bảo vệ, bảo đảm các quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Bộ Tư pháp đã dự thảo Luật ban hành QĐHC gồm 8 chương, 50 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định về phân loại, trình tự, thủ tục và ủy quyền ban hành QĐHC; hiệu lực của QĐHC và thi hành QĐHC; đính chính, sửa đổi, bổ sung, gia hạn QĐHC...
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
 
 
 
Tuệ Văn
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An

 

 

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)