• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Doanh nghiệp nhà nước có cần một cơ quan quản lý độc lập? 

Sáng ngày 15/7, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nổi lên được nhiều ý kiến quan tâm là về mô hình đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

IMG
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần thành lập một cơ quan độc lập thuộc
Chính phủ thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
Ảnh: Lê Tiên
Một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản, nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý DNNN. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản.
 
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, thực hiện phương án nêu trên sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng: Nếu để nguyên mô hình quản lý DNNN như hiện nay thì không có gì thay đổi và xã hội sẽ vẫn còn rất bức xúc về vấn đề này. Đây là thuế của dân nên dứt khoát Nhà nước phải quản lý dù giao bộ A, bộ B quản lý thì Nhà nước phải xác định ai đại diện Nhà nước quản lý tất cả nguồn vốn này. 
 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của DNNN.
 
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay. Theo đó, Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài nội dung về mô hình chủ sở hữu DNNN, tại Phiên họp, đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cần cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể. Cần xác định những ngành, lĩnh vực Nhà nước không tham gia hoặc tham gia ở mức độ nhất định; những lĩnh vực Nhà nước cần giữ vốn và đẩy nhanh những lĩnh vực cần thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
 
 
 
Nguyệt Minh
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An

 

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)