• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tốc và bứt phá 
 Ngày 03/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Lễ công bố Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Ann Marie Yastishock đồng chủ trì Lễ công bố.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: MPI

Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu. Bằng cách số hóa các quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và quy trình quản trị, doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị mà họ mang lại cho khách hàng và có vị thế tốt hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, USAID đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc khởi động Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là một trong những kết quả hợp tác quan trọng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với USAID với mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng và cởi mở trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là nhờ sự nỗ lực to lớn của toàn bộ hệ thống chính trị, của người dân, đặc biệt là vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, với sức bền bỉ, dẻo dai, tinh thần đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, các doanh nghiệp đang từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người. Chúng ta chưa biết được khi nào đại dịch Covid 19 kết thúc, nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều là phải thay đổi. Những sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, đồng thời làm xuất hiện những xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp không được chuẩn bị đầy đủ và chủ động tận dụng các cơ hội thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và thua ngay trên chính sân nhà. Có thể nói, chưa bao giờ yêu cầu về đổi mới sáng tạo, về chuyển đổi số lại trở nên cấp thiết hơn như lúc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiên phong đề xuất các chính sách, sáng kiến và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, bứt phá và phát triển. Đồng thời nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới sáng tạo. Đây cũng là con đường hiệu quả nhất, ngắn nhất và nhanh nhất để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đuổi kịp, bắt kịp và vươn lên.

Quyết định số 749/QĐ-TTg đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, việc xây dựng Chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hướng dẫn cho doanh nghiệp tìm được giải pháp, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất trong lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, khái niệm “chuyển đổi số trong doanh nghiệp” được nhắc đến rất nhiều nhưng có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Dưới góc độ của Chương trình, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được tiếp cận là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Từ cách tiếp cận này và với sự thấu hiểu, đồng hành cùng doanh nghiệp trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID tại Việt Nam đã đặt ra mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi về nhận thức, tầm nhìn và chiến lược; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra lợi thế mới; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số, số hóa quy trình sản xuất, quy trình công nghệ...

Cụ thể, đến năm 2025, Chương trình sẽ triển khai các hoạt động thiết thực với doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 100 nghìn doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp; Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến; Thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình triển khai cụ thể, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ ban đầu từ USAID, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực bổ sung, bao gồm nguồn lực từ ngân sách và nguồn lực từ xã hội hóa để làm sao có thể hỗ trợ được tối đa và có thể tiếp cận được với toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước. Đồng thời tin tưởng rằng Chương trình sẽ đạt các mục tiêu đề ra vì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại di động thông minh cao trên thế giới. Hạ tầng kết nối của Việt Nam tương đối tốt, internet hầu như đã phổ biến. Đặc biệt, Việt Nam có lực lượng giới trẻ đông đảo, tiếp cận nhanh với công nghệ, có đội ngũ doanh nghiệp công nghệ ngày càng phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội của Việt Nam để chuyển đổi số thành công.

Chương trình có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, với sự đồng hành của các địa phương, các hiệp hội và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ số, của các đơn vị thông tin truyền thông, của các cơ quan, tổ chức quốc tế như USAID, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức để cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi Lễ, bà Ann Marie Yastishock đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số cho doah nghiệp, giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh cũng nắm bắt các cơ hội thị trường trong bối cảnh hiện nay. Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi ngành công nghiệp và cản trở các hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên đây cũng là chất xúc tác vô cùng đặc biệt để có sự thay đổi cũng như thúc đẩy nhu cầu về chuyển đổi số thông qua số hóa và tự động hóa. Doanh nghiệp sẽ tăng cường giá trị hàng hóa, đủ năng lực và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để duy trì cạnh tranh, giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững.

Bà Ann Marie Yastishock cho biết, thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, USAID đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 749/QĐ-TTg. Đồng thời khẳng định, USAID sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai và xây dựng chiến lược, chương trình hành động cho cả giai đoạn nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như khả thích ứng trong bối cảnh hậu dịch Covid-19. Dự án sẽ triển khai chương trình thí điểm về chuyển đổi số của 100 doanh nghiệp giúp giải quyết các khoảng trống về chuyển đổi số theo các giai đoạn cụ thể, gồm: giai đoạn tiền chuyển đổi số; xác định cộng số hiệu quả nhất nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng năng suất, hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như khả năng thích ứng; sát nhập, hài hòa các hệ thống để tiếp tục tăng năng suất. Bà Ann Marie Yastishock hy vọng, thông qua Chương trình sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về chuyển đổi số đối với việc bền vững hóa doanh nghiệp của mình, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế số.

Các xu hướng phát triển về công nghệ ngày càng mang tính đột phá và đang thay đổi cuộc sống con người. Các mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các công nghệ mới đem lại hiệu quả cao hơn. Các yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng đang dịch chuyển dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tốc và bứt phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Lễ công bố đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tại Việt Nam; Nghi thức khởi động Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025./.

Tùng Linh

Nguồn: mpi.gov.vn

Người đăng: PTP

 

 
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)