Báo cáo tiền khả thi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước 
 Báo cáo tiền khả thi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước
 Hồ sơ báo cáo tiền khả thi sớm hoàn thiện là cơ sở, tiền đề quan trọng để đẩy nhanh triển khai dự án, trong đó phương án đầu tư được lựa chọn phải đảm bảo tuân thủ Luật Đầu tư công. Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền tại cuộc họp nghe đơn vị tư vấn thiết kế (Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải) báo cáo nội dung hồ sơ tiền khả thi dự án tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước, chiều ngày 22-3.
Trên cơ sở văn bản thống nhất giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, ý kiến thuận chủ trương của Trung ương về việc triển khai dự án tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước ngày 18-3, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải đã khảo sát, xây dựng báo cáo tiền khả thi trình UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu kết luận cuộc họp
Theo đó, tuyến cao tốc có tổng chiều dài 73km, đoạn đi qua tỉnh Bình Phước điểm cuối tại huyện Chơn Thành dài 11km. Ngoài phương án đã được lãnh đạo 3 địa phương thống nhất sơ bộ, trên cơ sở khảo sát thực tế, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất phương án đầu tư theo hướng tuyến mới, thay đổi quy mô mặt cắt, hạn chế đi qua khu vực đô thị và xây dựng trên cao để cắt giảm chi phí đầu tư.
Khẳng định quyết tâm chính trị của 3 địa phương trong việc thực hiện dự án giao thông liên kết vùng quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho rằng, tuyến cao tốc sớm triển khai đầu tư, đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết dứt điểm điểm nghẽn về giao thông của Bình Phước, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của 3 địa phương nói chung, Bình Phước nói riêng về lâu dài. 
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường công tác phối hợp với tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện hồ sơ tiền khả thi. Trong đó, cần làm rõ những ưu điểm, hạn chế của từng phương án để nhận được sự đồng thuận của 2 địa phương và có cơ sở trình các bộ, ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến trước khi xin chủ trương đầu tư chính thức từ Chính phủ và Quốc hội tại kỳ họp tới.