Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước 
Để phục vụ công tác tuyên truyền kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và gửi các cơ quan, đơn vị “Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước 23/3/1975 - 23/3/2017”.

- Đối tượng tuyên truyền: Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

- Hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền miệng, qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể; các phương tiện thông tin đại chúng (trên báo chí; Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương). Chạy chữ khẩu hiệu: “Chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước 23/3/1975-23/3/2017” trên các loại hình báo chí và thông tin đại chúng…
 
- Thời gian tuyên truyền, trang trí băng rôn, pano và khẩu hiệu: Thực hiện đồng loạt từ ngày 13/3/2017 đến hết ngày 31/3/2017.
 
Đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện tốt yêu cầu trên.
 

 TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC
(23/3/1975-23/3/2017)
 
I. Những bước phát triển của phong trào cách mạng tỉnh Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiến tới ngày giải phóng tỉnh (23/3/1975)
 
1. Phong trào đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân Bình Phước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
 
a. Giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, đấu tranh chống địch gom dân lập ấp chiến lược (1954-1965)   
 
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam nhằm khống chế vùng Đông Nam Á. Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài hai miền Nam - Bắc, thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật với Luật 10/1959… địch không từ một thủ đoạn tàn bạo, dã man nào để đánh phá cách mạng miền Nam, thẳng tay trả thù, sát hại Nhân dân yêu nước và những người kháng chiến cũ. Đây là thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam, phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề.
 
Trong những năm tháng đó, mặc dù tổ chức đảng bị địch đánh phá ác liệt, nhưng bằng phương pháp hoạt động vừa bí mật, vừa công khai, hệ thống các cơ sở đảng vẫn được duy trì và tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân. Địa bàn Hớn Quản (tỉnh Bình Long) là một trong những địa phương tiếp thu nhạy bén “Đề cương cách mạng miền Nam” và Nghị quyết của Xứ ủy, sớm có tổ chức và hoạt động vũ trang hỗ trợ cho phong trào quần chúng.
 
Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II)[1], Đảng bộ và Nhân dân Bình Long và Phước Long, từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị đơn thuần chuyển sang thế tiến công, đấu tranh chính trị, vũ trang song song kết hợp với phương châm 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận). Sự hình thành Đảng bộ Bình Long và Phước Long cùng với hệ thống cấp ủy ở cơ sở và việc khai thông đoạn cuối hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của địa phương hai tỉnh.
 
Với truyền thống yêu nước, đoàn kết, Đảng bộ Bình Long và Phước Long lãnh đạo Nhân dân hai tỉnh đã chiến đấu quyết liệt và liên tục trên mặt trận chống phá chương trình bình định, càn quét gom dân, lập ấp chiến lược của địch, tạo địa bàn đứng chân cho quân chủ lực, phục vụ cho yêu cầu căn cứ chiến lược và các nhiệm vụ chính trị của Trung ương Cục giao cho, xây dựng vùng bàn đạp tấn công Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của đế quốc Mỹ và tay sai.
 
Nổi bật là chiến dịch Phước Long - Bình Long 1965, mà trọng điểm là Phước Long - Đồng Xoài. Sau 64 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, bộ đội chủ lực và địa phương đã phá hàng loạt ấp chiến lược, dinh điền của địch, giải phóng trên 5 vạn dân. Chiến thắng Phước Long - Đồng Xoài cùng với chiến thắng Bình Giã, Ba Gia và nhiều nơi khác trên chiến trường miền Nam, đã góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy, buộc đế quốc Mỹ phải bị động chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào tham chiến miền Nam (Việt Nam).
 
b. Đảng bộ và Nhân dân Bình Phước vượt qua khó khăn, đẩy mạnh tiến công địch, giải phóng quê hương (1965 - 1975)                                                                                           
Sau hơn ba năm đương đầu với Mỹ - Ngụy trong “chiến tranh cục bộ” đầy ác liệt, gian khổ và hy sinh, Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức xây dựng lực lượng cả về quân sự và chính trị, giữ vững thế tiến công và liên tục tiến công, cùng quân và dân Đông Nam bộ và cả miền Nam, góp phần bẻ gãy hai gọng kềm “tìm diệt và bình định”, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của Mỹ - Ngụy.
 
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và của Đảng bộ, quân và dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long đã cùng lực lượng của Khu 10 và của Miền, tấn công vào Tiểu khu Bình Long, Phước Long và các chi khu khác, phát động quần chúng nổi dậy, góp phần cùng quân và dân miền Nam thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đồng loạt tấn công vào sào huyệt và căn cứ của Mỹ - Ngụy khắp miền Nam, giành thắng lợi vang dội.
 
Tuy nhiên cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa kéo dài không đạt được mục tiêu chiến lược của Đảng đề ra từ đầu, lực lượng vũ trang, chính trị của ta có tổn thất lớn, nhưng thắng lợi của ta đã gây một tác động chính trị rất lớn trên thế giới và ngay chính bản thân nước Mỹ, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải tính đến chuyện “xuống thang chiến tranh” và chịu ngồi vào bàn đàm phán tại Paris (Pháp). Sau năm Mậu Thân 1968, Mỹ - Ngụy chuyển dần chiến lược “chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với kế hoạch “quét và giữ” kết hợp các chương trình bình định cấp tốc, bình định đặc biệt… Ở hai tỉnh Bình Long và Phước Long, chúng tăng cường càn quét đánh phá sâu vào vùng căn cứ, vùng giải phóng, ráo riết gom dân lập ấp chiến lược bằng nhiều phương tiện và hành động cực kỳ tàn bạo, kể cả B52 và chất độc màu da cam cùng với triệt để bao vây kinh tế.
 
Có thể nói, năm 1969 và những tháng đầu năm 1970 là thời kỳ cách mạng miền Nam trải qua ác liệt và khó khăn gay gắt nhất, nhưng đây cũng là thời kỳ quân và dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long tỏ rõ tinh thần cách mạng, anh dũng kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, bám trụ chiến trường, tiếp tục thế tiến công đánh địch, duy trì cơ sở, khôi phục phong trào, từng bước tạo thế, tạo lực và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng. Cùng với quả đấm chủ lực, quân và dân Bình Phước đã tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ hè 1972 giải phóng hoàn toàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và từng mảng ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ nối liền biên giới Campuchia thành hậu phương trực tiếp của chiến trường B2, góp phần buộc Mỹ phải chịu thất bại trên bàn Hội nghị. Cuối năm 1972, Trung ương Cục quyết định thành lập tỉnh Bình Phước trên cơ sở xác nhập hai tỉnh Bình Long và Phước Long.
 
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973, Mỹ chịu rút hết quân viễn chinh và chư hầu, chấm dứt dính líu vào cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Bình Phước được vinh dự thay mặt Nhân dân miền Nam và cả nước đón những người con chiến thắng từ các nhà tù Mỹ - Ngụy trở về trong niềm thương yêu, xúc động và khâm phục.
 
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1974 - 1975, được sự chi viện của Trung ương và của Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn huyện Bù Đăng ngày 14/12/1974, ngày 26/12/1974 tấn công giải phóng Đồng Xoài, ngày 31/12/1974 tấn công giải phóng hoàn toàn chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 06/01/1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là một đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương có quyết định và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm. Phát huy thắng lợi ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc (Bình Long). Nhận thấy không có khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23/3/1975, địch rút chạy về Chơn Thành, trung tâm tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long được giải phóng. Ngày 02/4/1975, huyện Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long được giải phóng, góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
 
Ngày 15/4/2015, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh để xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Từ tất cả các ý kiến tại Hội nghị, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu, thảo luận nghiêm túc với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm với lịch sử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi đến thống nhất chọn ngày 23/3/1975 - ngày giải phóng quận An Lộc là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Long làm ngày GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC.
 
2. Nguyên nhân thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân Bình Phước
 
Thứ nhất:Nhờ vào đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài giỏi của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam; sự chi viện giúp đỡ to lớn từ hậu phương lớn miền Bắc và tình đoàn kết chiến đấu của Đảng bộ, quân, dân các tỉnh miền Đông Nam bộ.
 
Thứ hai: Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có lòng trung thành vô hạn, quyết tâm cách mạng cao, có năng lực sáng tạo phong phú, tinh thần phấn đấu hy sinh bền bỉ và ý chí tự lực, tự cường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt Kinh, đồng bào dân tộc, lương, giáo đoàn kết thành một khối, tất cả đều tham gia kháng chiến, vận dụng linh hoạt mọi hình thức và phương pháp đấu tranh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.
 
Thứ ba:Qua rèn luyện thử thách, Đảng bộ tỉnh Bình Phước không ngừng được củng cố, xây dựng và trưởng thành, trở thành hạt nhân lãnh đạo, là bộ tham mưu có kinh nghiệm của phong trào cách mạng, được Nhân dân tin yêu, gắn bó và đùm bọc.
 
Thứ tư: Lực lượng vũ trang Bình Phước trong kháng chiến bao gồm ba thứ quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, không ngừng được củng cố và trưởng thành, phát huy bản chất tốt đẹp của quân đội cách mạng và truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng địa phương, góp phần cùng Nhân dân làm nên những chiến công vẻ vang.
 
3. Những bài học kinh nghiệm
 
Thứ nhất là: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
 
Thứ hai là:Nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước yêu nước, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH và vì quyền con người.
 
Thứ ba là: Nắm chắc và vận dụng sáng tạo phương châm đấu tranh hai chân ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, xây dựng các đội, mũi công tác bám sát địa bàn, luồn sâu vào các ấp chiến lược, thị trấn, thị xã, phát động và tổ chức quần chúng hành động cách mạng. Xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân, công tác binh vận được quán triệt từ Tỉnh ủy đến tận người dân. 
 
Thứ tư là: Tổ chức Đảng luôn được củng cố và phát triển. Các cấp ủy luôn thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao trong mọi chủ trương, sâu sát cơ sở, nhạy bén được tình hình, dân chủ bàn bạc công việc, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa phù hợp với tình hình địa phương.
 
Thứ năm là: Vấn đề xây dựng vùng căn cứ cách mạng phải được thường xuyên quan tâm đúng mức, xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Thứ sáu là: Sự chi viện của Trung ương, Trung ương Cục miền Nam và các chiến trường bạn làm tăng thêm sức mạnh vật chất, tinh thần và nâng cao trách nhiệm của Nhân dân và Đảng bộ Bình Phước trước phong trào cách mạng cả nước.
 
II. Những thành tựu nổi bật của tỉnh Bình Phước sau 42 năm Ngày giải phóng
 
1. Thành tựu về kinh tế
 
Sau ngày giải phóng, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Phước ngày nay chủ yếu là nông - lâm nghiệp, công nghiệp - thương mại - dịch vụ thì quá nhỏ bé, cơ sở hạ tầng thấp kém... Chiến tranh để lại hậu quả nặng nề, ruộng đất bỏ hoang, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thêm vào đó là tâm lý nóng vội, chủ quan duy ý chí đã có ảnh hưởng tiêu cực, cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thời kỳ 1986-1996, Sông Bé trở thành một trong những địa phương ghi “dấu ấn” trong công cuộc đổi mới và mở cửa. Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), nền kinh tế của tỉnh Bình Phước thực sự chuyển mình,cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp một cách hợp lý.
 
Đến nay, cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 33,8%, giảm hơn 36% so với năm đầu tái lập tỉnh. Sản xuất từng bước gắn với chế biến và xuất khẩu, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt được tỉnh quan tâm, ưu tiên tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh. Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất cao, chất lượng tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trước đây chỉ là nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, đến nay đã phát triển tập trung quy mô lớn, hiện đại, với hình thức công nghiệp và bán công nghiệp gia tăng về số lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là: Cao su, hạt điều, hạt tiêu, linh kiện điện tử, mặt hàng gỗ... đã có mặt trên 50 quốc gia. Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đạt được kết quả quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 15/92 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, bình quân số tiêu chí đạt được là 12 tiêu chí.
 
Quy mô sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ chỗ quá nhỏ bé, đến nay, toàn tỉnh đã có 13 khu công nghiệp, trong đó có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, 2 khu đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, 3 khu đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Các khu công nghiệp đang hoạt động có gần 800 ha diện tích đất để cho thuê. Hiện nay, đã cho thuê khoản 600 ha, trong đó có 60 dự án trong nước và 107 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 3.400 tỷ đồng và hơn 1 tỷ USD.
 
Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trình độ công nghệ, chất lượng dịch vụ, hạ tầng thương mại từng bước phát triển theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội gấp hơn 41 lần so với năm 1997; cơ cấu của ngành thương mại - dịch vụ chiếm 37,5% tăng gần 13% so với năm 1997. Từ chỗ hàng hóa ít ỏi, khan hiếm, đến nay mạng lưới thương mại của các thành phần kinh tế phủ khắp tỉnh. Đến tháng 02/2017, số doanh nghiệp tăng 13 lần, số cơ sở thương mại tăng gần 7 lần và số lao động được giải quyết việc làm tăng gấp hơn 6 lần; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.352 triệu USD, tăng gần 40 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
 
Chính sách thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và Nhân dân. Đến nay, Bình Phước có hơn 5.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký gần 37.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 159 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 1.153 triệu USD, tạo việc làm cho trên 142 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Bộ mặt nông thôn, đô thị thay đổi. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển; nhiều khu dân cư mới được xây dựng đã trở nên đông đúc. Đến cuối năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 245 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Thu ngân sách đạt hơn 4.500 tỷ đồng.
 
Kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá không còn cảnh đất “nắng bụi, mưa lầy”. Hiện nay, Công tác đầu tư xây dựng đạt kết quả cao; công tác bảo đảm chất lượng công trình thi công đã được chú trọng và cải thiện rõ rệt; toàn tỉnh đã có trên 500 tuyến đường với chiều dài hơn 8.000 km, trong đó quốc lộ 13, 14 đã nhựa hóa 100% và hiện đang tiếp tục nâng cấp mở rộng; đường tỉnh nhựa hóa đạt gần 99%. 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm; hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh giáp biên nước bạn Campuchia, các tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Điện lưới quốc gia đã về hầu khắp các khu dân cư, thôn, ấp, tỷ lệ số hộ có điện đạt trên 98%, gấp 6 lần so với năm tái lập tỉnh. Thông tin liên lạc cho Nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đảm bảo tốt. Cả tỉnh hiện có trên 1,1 triệu thuê bao điện thoại, đạt tỷ lệ hơn 119 thuê bao/100 dân; hơn 1.200 trạm phát sóng di động toàn tỉnh. 100% xã, phường, thị trấn có dịch vụ điện thoại cố định và đường truyền cáp quang. Internet bằng công nghệ 3G đã phủ sóng hầu hết các địa phương trong tỉnh. Mạng bưu chính của tỉnh phát triển rộng khắp, đa dịch vụ.
 
2. Thành tựu về văn hóa - xã hội
 
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế có nhiều tiến bộ vượt bậc. Sau ngày giải phóng, lĩnh vực giáo dục - đào tạo của tỉnh đặc biệt khó khăn. Năm 1997 tái lập tỉnh, toàn tỉnh thiếu hàng nghìn giáo viên, hàng trăm phòng học. Đến nay, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước được chuẩn hóa. Mạng lưới trường, lớp được quy hoạch và phát triển tập trung, kể cả các điểm lẻ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tỉnh có 3 trường cao đẳng và nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo nghề. Tỉnh đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (năm 1998); đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2009); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt gần 23% (cuối năm 2016). Số học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, trong đó có nhiều em là người đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Y tế có nhiều tiến bộ, từng bước hướng đến mục tiêu vì Nhân dân phục vụ. Đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không ngừng lớn mạnh với trên 3.500 người, có 7,2 bác sĩ/vạn dân, 26,5 giường bệnh/vạn dân, công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 90%. Toàn tỉnh có 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế huyện, thị xã, 5 bệnh viện đa khoa của các ngành và 1 bệnh viện đa khoa tư nhân với tổng số giường bệnh hơn 3.000 giường, gấp gần 8 lần so với năm 1997. Tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ đạt 85%. 66% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy sinh dưỡng còn hơn 14%, giảm 3 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Tỉnh đã cơ bản khống chế, dập được những bệnh dịch nguy hiểm, những bệnh đặc thù của địa phương như sốt rét, bướu cổ, bạch hầu; loại trừ được bệnh đậu mùa, thanh toán bại liệt. Các bệnh dịch truyền nhiễm như uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều giảm.
 
Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho mọi người phát triển rộng khắp, đáp ứng cơ bản nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh có trên 92% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, hơn 60% khu dân cư được công nhận văn hóa. Những lễ hội, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào Stiêng, Khơme, Mơnông... được phục dựng. Các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và quốc gia được trùng tu, xây dựng và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 100% thôn (ấp) đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa cộng đồng; đặc biệt, tỉnh đã khánh thành giai đoạn 1 Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng Sóc Bom Bo và dự án Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền (Tà Thiết).Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 28%, số gia đình thể thao đạt 16%.60% số xã, phường, thị trấn có các đội, nhóm thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Thể thao chuyên nghiệp thành tích cao được quan tâm đầu tư, có kết quả tích cực.
 
Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết chế độ chính sách người có công và các nhóm yếu thế đạt được kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 5,6% theo chuẩn mới. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công được tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo, giải quyết tốt theo quy định. 100% người có công được mua thẻ bảo hiểm y tế. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có được sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của toàn xã hội. Toàn tỉnh đã vận động xây dựng, sửa chữa trên 2.200 căn nhà tình nghĩa, trị giá 43 tỷ đồng; tặng 911 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá 671 triệu đồng; nhận phụng dưỡng 116 đối tượng người có công, trong đó có 34 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Triển khai tích cực công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 44%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm từ 4,4% xuống 3,2%, tỷ lệ sử dụng lao động ở nông thôn tăng từ 83% lên trên 90%.
 
3. Thành tựu về quốc phòng - an ninh và đối ngoại
 
Quốc phòng - an ninh của tỉnh luônđược giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại rộng mở.Tiềm lực quốc phòng - an ninh và thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường. Khu vực phòng thủ được xây dựng đi vào chiều sâu vững chắc, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu tăng lên, an ninh trên tuyến biên giới luôn đảm bảo. Tội phạm được kiềm chế, triệt phá nhiều vụ án phức tạp, nhiều băng nhóm tội phạm, ma túy, trộm cắp tài sản; tai nạn giao thông từng bước giảm cả 3 tiêu chí. Tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ đảng viên, đoàn viên ngày càng tăng. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh có tinh thần cảnh giác cao trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
 
Quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia không ngừng được củng cố, tăng cường và ngày càng phát triển tốt đẹp. Đến ngày 30/11/2012, Bình Phước là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đường biên giới với Vương quốc Campuchia hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành tăng dày hệ thống cột mốc phụ trên toàn tuyến biên giới của tỉnh tiếp giáp với các tỉnh của Vương quốc Campuchia. Công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Phước đã tìm kiếm, quy tập được 2.275 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia qua các thời kỳ (trong đó có 234 hài cốt có tên). Mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với các nước bạn Nhật Bản, Israel, Hà Lan, Bờ Biển Ngà… được mở rộng trực tiếp qua việc tìm hiểu cơ hội kinh doanh, thăm và học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhân đạo, trao đổi kiến thức khoa học. Tỉnh đã ký kết được chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút đầu tư.
 
4. Thành tựu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
 
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong tỉnh không ngừng được củng cố và nâng cao. Từ chỗ chỉ có 356 tổ chức cơ sở Đảng với gần 8.500 đảng viên năm tái lập tỉnh, đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 22 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, 840 tổ chức cơ sở đảng với hơn 32.000 đảng viên. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ luôn được giữ vững. Những thành tựu to lớn sau 42 năm giải phóng tỉnh và hơn 20 năm tái lập, xây dựng, phát triển và hội nhập đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Tỉnh ủy là nhân tố quyết định sự thắng lợi và phát triển của tỉnh, biểu hiện rõ nét bằng những chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy đều thể hiện rõ “ý Đảng - lòng dân”.
 
Các chương trình đột phá đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015 được thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch đảm bảo các yêu cầu theo quy định, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cán bộ được điều động, luân chuyển, cán bộ trẻ được bổ nhiệm bảo đảm đúng chuẩn theo quy định, đã phát huy tốt năng lực, sở trường và bản lĩnh trong công tác, có uy tín với Nhân dân. Việc học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động làm theo.
 
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh theo tinh thần phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị chuyên môn trực thuộc thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, công khai, minh bạch. Tổ chức bộ máy ổn định và hoạt động có hiệu quả; đã quan tâm thực hiện phân cấp quản lý, tạo sự chủ động, phát huy sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ban, sở, ngành và chính quyền các cấp trong quản lý điều hành. Kỷ luật hành chính, chất lượng công vụ được chấn chỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kịp thời xử lý nghiêm và công khai các vụ án tham nhũng. Công tác tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm.
 
Khối đại đoàn kết toàn dân luôn được giữ vững. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới, nhiều điển hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát những lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi và đời sống Nhân dân được thực hiện tốt. Hoạt động của hệ thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả. Đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự trị an, củng cố quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
 
III. Định hướng tuyên truyền (Thực hiện theo Hướng dẫn số 17-HD/BTGTU, ngày 16/01/2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “về việc tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2017”).
 
IV. Một số khẩu hiệu tuyên truyền
 
1. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975 - 23/3/2017)!
 
2. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017)!
 
3. Tinh thần Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bất diệt!
 
4. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017!
 
5. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng!
 
6. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
 
7. Đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sỹ!
 
8. Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!
 
9. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
 
10. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
 
11. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!


[1] Ra đời vào tháng 01/1959.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY BÌNH PHƯỚC
Nguồn: www.binhphuoc.gov.vn
Người đăng: Phông