Sửa đổi tiêu chí, danh mục phân loại để đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Australia tổ chức Hội thảo “Sửa đổi tiêu chí, phân loại danh mục doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020”. Hội thảo tập trung vào việc lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

IMG
Từ đầu năm đến cuối tháng 7/2015, mới chỉ có 61 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa, trong khi kế hoạch cả năm nay là cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước
 Ảnh: Vũ Lam
Tại Hội thảo, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, việc sửa đổi tiêu chí, danh mục phân loại DNNN là nhằm thể hiện quyết tâm điều chỉnh để khối DN này có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của một số lĩnh  vực như an ninh, quốc phòng, độc quyền tự nhiên, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu, một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; sớm chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các DN có 50% vốn nhà nước.
 
Bên cạnh đó, chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội của DN phải được đổi mới và thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp 2014.
 
Tại Hội thảo, Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, nhìn chung, việc đánh giá, phân loại DNNN trong năm 2014 và kế hoạch năm 2015 tại các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty đã bám sát theo nội dung Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg. Tổng hợp báo cáo từ 70 đơn vị gửi về Bộ KH&ĐT cho thấy, hiện có khoảng 319 DN dự kiến duy trì DN 100% vốn nhà nước, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn giao thông… Về cơ bản, các ngành, lĩnh vực này đã phù hợp với tiêu chí phân loại nêu tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa tuân thủ theo đúng tiêu chí, danh mục về phân loại DNNN. 
 
Bên cạnh đó, nhiều DN sau khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) vẫn có tỷ lệ vốn nhà nước khá cao như các DN cảng biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, DN cảng biển thuộc Bộ Giao thông vận tải... Do vậy, các DN này chưa có sự đổi mới về phương thức quản trị DN và chưa huy động tối đa được nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. 
 
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong năm 2015, cả nước phải thực hiện CPH 289 DNNN. Tính đến tháng 7/2015, 289 DN này đã thực hiện các bước của quá trình CPH, trong đó đã hoàn thành CPH 61 DN. Như vậy, số lượng DN phải chuyển đổi, CPH trong 6 tháng cuối năm 2015 còn rất lớn (khoảng 228 DN), đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất cao của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh: “Việc sửa đổi tiêu chí, danh mục phân loại DNNN là rất cần thiết để bảo đảm hiệu quả tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới”. Tán thành quan điểm trên cũng như những điểm mới của dự thảo Quyết định, đại diện Bộ Giao thông vận tải khẳng định: “Dự thảo Quyết định có sửa đổi khung tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các DNNN ở những lĩnh vực thiết yếu là rất quan trọng, vì thực tế quá trình tái cơ cấu DNNN tại Bộ cho thấy, nhiều DN có tiêu chí vượt khung Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg”. Dưới một góc nhìn khác, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất, dự thảo Quyết định nên có định hướng về tầm nhìn dài hạn đối với việc nắm giữa cổ phần nhà nước tại khối DN này để đảm bảo cho DN hoạt động hiệu quả hơn.
 
 
 
 T. Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An