Các bệnh viện không được đưa vào kế hoạch mua sắm các loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao, nếu đã có các loại thuốc cùng hoạt chất với hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.
Bộ Y tế yêu cầu, các bệnh viện không được đưa vào kế hoạch mua sắm các loại thuốc có hàm lượng,
dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao
Ảnh: Nhã Chi
Đây là một trong những yêu cầu của Bộ Y tế tại Công văn hướng dẫn thanh toán và quản lý 23 loại thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Vẫn thanh toán cho 23 loại thuốc “lạ” trúng thầu với chi phí cao
Bộ Y tế cho biết, trước đó, Bộ đã nhận được Công văn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc thông báo tạm thời dừng thanh toán 23 loại thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế. Theo Bộ Y tế, đây là thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao.
Cũng theo Bộ Y tế, 23 loại thuốc này đã được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, được thủ trưởng của cơ sở khám chữa bệnh lựa chọn trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng Thuốc và Điều trị. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đã có sự tham gia của cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Các loại thuốc này trúng thầu hợp lệ, nhưng có giá trúng thầu cao vì có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu, vì vậy, việc rà soát lại tính hợp lý về giá trúng thầu của các loại thuốc này so với giá trúng thầu các loại thuốc khác có cùng hoạt chất trước khi thanh toán là cần thiết.
Bộ Y tế đề nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội thanh toán chi phí sử dụng của 23 mặt hàng thuốc nêu trên theo nguyên tắc: Về giá, thanh toán theo giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh, không vượt giá thuốc trúng thầu đúng quy định trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà thầu hoặc hợp đồng điều chỉnh đối với trường hợp nhà thầu có văn bản đề nghị giảm giá; phối hợp với Sở Y tế và nhà thầu thống nhất mức giá thanh toán đối với các mặt hàng thuốc đã được nhà thầu đề nghị giảm giá. Về số lượng, sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực của hợp đồng, nhưng không vượt quá số thuốc trúng thầu đã ký hợp đồng.
Để làm rõ hơn về các loại thuốc “đặc biệt” này, phóng viên Báo Đấu thầu đã trao đổi với một cán bộ phụ trách công tác đấu thầu thuốc tại Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế. Theo cán bộ này, các cơ sở khám, chữa bệnh đã mua 23 loại thuốc này đều là các bệnh viện cấp tỉnh, không có bệnh viện tuyến trung ương. Trong số 23 loại thuốc này chỉ có khoảng 2 - 3 loại thuộc Nhóm 1 (thuốc sản xuất tại cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc nước tham gia ICH - bao gồm các nước thuộc EU, Nhật Bản, Mỹ và các nước là quan sát viên của ICH, thành viên liên kết của các thành viên ICH; thuốc sản xuất tại cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn WHO-GMP do Bộ Y tế Việt Nam cấp Giấy chứng nhận và được cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước tham gia ICH cấp phép lưu hành). Khoảng 1 - 2 loại thuốc thuộc Nhóm 2 (thuốc sản xuất tại cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP nhưng không thuộc nước tham gia ICH; thuốc nhượng quyền từ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc các nước tham gia ICH và được sản xuất tại cơ sở sản xuất thuốc Bộ Y tế Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn WHO-GMP).
Còn lại khoảng 20 trong số 23 loại thuốc này đều thuộc Nhóm 3, tức là thuốc sản xuất trong nước, tại cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn WHO-GMP được Bộ Y tế Việt Nam cấp Giấy chứng nhận. Phần lớn đây chỉ là những loại thuốc có cùng hoạt chất với nhiều thuốc khác trên thị trường, nhưng được đơn vị sản xuất trộn thêm một vài chất khác hoặc thay đổi cách đóng gói, dạng bào chế… để biến thành “thuốc lạ” có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp không thông dụng để đưa vào danh sách đấu thầu. Các loại thuốc này có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu, nên đơn vị cung ứng có thể đẩy giá lên cao hơn so với các loại thuốc thông dụng tương tự khác.
Không tùy tiện mua thuốc có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu
Để ngăn chặn trường hợp tương tự phát sinh trong tương lai, Bộ Y tế đề nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội tăng cường trách nhiệm trong quá trình tham gia lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của địa phương, giám sát danh mục thuốc, giá thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kịp thời phát hiện và có ý kiến ngay từ khi đơn vị lập kế hoạch mua sắm các loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao nếu đã có các loại thuốc cùng hoạt chất với hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.
Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết thêm, Bộ Y tế đã yêu cầu trong quá trình triển khai thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đối với các loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao, đề nghị tổng hợp, cung cấp cho Bộ Y tế các loại thuốc này để rà soát, công bố giá kê khai, kê khai lại.
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội được yêu cầu tăng cường trách nhiệm trong quá trình tham gia lựa chọn nhà thầu
cung cấp thuốc của địa phương, giám sát danh mục thuốc, giá thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Ảnh: Lê Tiên
Đồng thời, các bệnh viện không được đưa vào kế hoạch mua sắm các loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao (trong đó có 23 loại thuốc nêu trên) nếu đã có các loại thuốc cùng hoạt chất với hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp bảo đảm cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, có kế hoạch sử dụng các loại thuốc khác cùng hoạt chất để đáp ứng nhu cầu điều trị của đơn vị.
Trường hợp đặc biệt cần sử dụng các loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần báo cáo Bộ Y tế bằng văn bản về lý do sử dụng các loại thuốc này kèm theo Biên bản họp, thống nhất của Hội đồng Thuốc và Điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh có nhu cầu. Sau khi được sự đồng ý của Bộ Y tế, đơn vị mới được đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát, xem xét sự cần thiết phải đưa các loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp có mức độ cạnh tranh thấp trong đấu thầu và có chi phí cao (trong đó có 23 thuốc nêu trên) vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các đơn vị; nghiên cứu, xây dựng chương trình kiểm soát chi phí thuốc.
Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết thêm, trong thời gian tới, Vụ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của các đơn vị.
Việt Thắng
Người đăng: T.An